Thực vật dược - Giáo trình dành cho sinh viên đại học
Thực vật dược - Giáo trình dành cho sinh viên đại học
4.5
261
Lượt xem
6
Đã bán
Chọn sản phẩm
143.000₫ 150.000₫
Thành tiền 143.000₫
Thông tin xuất bản
NXB
Người dịch:
Năm XB:
2022
Loại sách:
Sách giấy;
Khổ sách:
19 x 27 cm
Số trang:
452
Quốc gia:
Ngôn ngữ:
vi
Mã ISBN:
978-604-66-5389-9
Mã ISBN Điện tử:

   Cuốn giáo trình “Thực vật dược” này được biên soạn cho sinh viên hệ đại học của Trường Đại học Dược Hà Nội. Nội dung của giáo trình gồm bốn phần chính: (i) Đại cương về Latin; (ii) Hình thái học thực vật; (iii) Phân loại học thực vật; (iv) Tài nguyên cây thuốc. Phần đầu về ngôn ngữ Latin là phần được viết mới so với các giáo trình Thực vật trước đây, nhằm phục vụ mục tiêu viết và đọc được các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Latin. Ba phần tiếp theo được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kể cả các giáo trình truyền thống của Bộ môn do GS. Vũ Văn Chuyên, PGS. TSKH. Trần Công Khánh biên soạn và đặc biệt là cuốn giáo trình Thực vật học năm 2007, có bổ sung những thông tin cập nhật và những vấn đề thực tế của ngành. Cả bốn phần gồm 10 chương, được đánh số liên tục từ 1 đến 10. Phần cuối của giáo trình là các phụ lục và các danh mục tra cứu.

   Phần 1 “Đại cương tiếng Latin” chỉ gồm 1 chương trình bày về tiếng Latin trong ngành Dược. Học xong phần này, người học có thể viết và đọc tên cây bằng danh pháp Latin; viết và đọc các danh pháp chuyên ngành như tên dược liệu, tên thuốc, tên hoá chất và tên dạng bào chế bằng tiếng Latin.

   Phần 2 “Hình thái học thực vật” gồm 4 chương, bao gồm: Chương 2: Tế bào thực vật; Chương 3: Mô thực vật; Chương 4: Cơ quan sinh dưỡng của thực vật; Chương 5: Cơ quan sinh sản của thực vật. Học xong phần này sinh viên có thể nhận biết và mô tả được các đặc điểm hình thái và giải phẫu của các cơ quan sinh dưỡng và sinh sản của một cây, là cơ sở giúp cho việc mô tả, giám định tên khoa học của cây thuốc và kiểm nghiệm dược liệu.

   Phần 3 “Phân loại học thực vật” gồm 4 chương, bao gồm: Chương 6: Đại cương về phân loại học thực vật; Chương 7: Giới sinh vật phân cắt; Chương 8: Giới nấm; Chương 9: Giới thực vật. Theo các quan điểm hiện đại về phân chia sinh giới, mặc dù Tảo lam và Nấm được tách thành các giới riêng, không nằm trong giới Thực vật, nhưng theo truyền thống, cũng như vai trò và tầm quan trọng của chúng trong ngành Dược, chúng tôi vẫn biên soạn trong giáo trình này. Các hệ thống được sử dụng trong phân loại là: hệ thống phân loại Tảo lam của Fott (1967), hệ thống phân loại giới Nấm của Ainsworth (1973), hệ thống phân loại Tảo (Algae) của Chadefaud và Fott (1967). Đối với các nhóm thực vật này taxon cơ sở để giới thiệu đặc điểm thường là bậc lớp, bậc bộ và các đại diện trong các taxon bậc đó. Đối với ngành Ngọc lan, chủ yếu chúng tôi sử dụng hệ thống phân loại của Takhtajan (2009). 

   Riêng thực vật bậc cao, là nhóm có vai trò chính trong ngành Dược, được giới thiệu đến họ, bao gồm 116 họ (Rêu: 3, Thông đất: 2, Cỏ tháp bút: 1, Dương xỉ: 9, Hạt trần: 10, Ngọc lan: 91), và có thêm các phần: Đa dạng và sử dụng, đặc biệt trong ngành Dược. Con số ở phần đa dạng của mỗi họ, như 13/210, là số chi (13) và số loài (210) trên thế giới; Các đại diện được xếp theo chi, sau tên khoa học và tiếng Việt của mỗi chi có con số, như 4/11, chỉ số loài ở Việt Nam (4) và số loài trên thế giới (11); Các họ lớn còn có đặc điểm nhận biết tại thực địa - là các đặc điểm chính có thể nhận dạng nhanh tại thực địa. Các họ được mô tả theo phương pháp phân tích (analytic description) kèm theo hình ảnh minh họa (khoảng 50 họ lớn, là các họ cốt lõi mà sinh viên cần phải học), công thức và sơ đồ hoa (đối với thực vật có hoa); các đại diện được mô tả chủ yếu theo phương pháp chẩn đoán (diagnostic description). Trong quá trình biên soạn chúng tôi có tổng hợp Danh mục các cây thuốc được sử dụng trong công nghiệp dược Việt Nam (CND), dựa trên danh mục các dược phẩm được đăng ký đến năm 2010 của Cục quản lý Dược và mô tả, giới thiệu hình ảnh của phần lớn các loài này. Các loài được ghi trong Danh mục Thuốc thiết yếu Việt Nam năm 2018, theo Thông tư số 19/2018/TT-BYT, được để trong dấu (*) sau tên tiếng Việt của cây. Ngoài ra, cuốn sách còn lưu ý về các loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (SĐVN).

   Kết thúc phần 3, sinh viên có tri thức tổng quát về sinh giới nói chung, hệ thống phân loại thực vật nói riêng và nhận biết được khoảng 130 họ có nhiều cây được sử dụng làm thuốc, trong đó có khoảng 50 họ có nhiều loài được sử dụng phổ biến trong ngành Dược ở Việt Nam.

   Phần 4 “Tài nguyên cây thuốc” có 1 chương. Chương 10: Đại cương về  tài nguyên cây thuốc, bao gồm các khái niệm cơ bản; Tài nguyên cây thuốc trên thế giới và ở Việt Nam; Bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc. Phần này chỉ giới thiệu các khái niệm cơ bản cần thiết nhất cho một nhà chuyên môn hoạt động nghề nghiệp liên quan đến cây cỏ làm thuốc.

   Phần phụ lục giới thiệu một số hệ thống phân loại, mục lục tra cứu tên chi, họ cây thuốc, bộ phận sử dụng, các thuật ngữ sử dụng trong giáo trình và tên cây theo tiếng Việt.

   Để bổ trợ cho các nội dung lý thuyết trong cuốn sách này, có một ấn phẩm khác là cuốn “Thực tập thực vật và nhận biết cây thuốc” với các nội dung liên quan tới thực hành về thực vật học trong ngành Dược. Đây sẽ là các tài liệu rất cần thiết để phục vụ cho không chỉ là sinh viên Dược đang theo học môn học này mà còn hữu ích cho các đối tượng khác nghiên cứu cây cỏ làm thuốc như sinh viên đang học môn Dược liệu, Dược học cổ truyền, học viên cao học, nghiên cứu sinh và dược sĩ đang công tác trong lĩnh vực sử dụng và nghiên cứu phát triển thuốc từ cây cỏ hoặc các nghiên cứu viên đến từ các chuyên ngành khác có liên quan.

   Chúng tôi xin chân thành cảm ơn DS. Bùi Xuân Chương đã cho phép sử dụng các bản vẽ minh họa phần lớn các cây thuốc giới thiệu trong cuốn giáo trình này.

   Để cuốn giáo trình này phục vụ sinh viên cũng như các đối tượng nghiên cứu khác ngày một tốt hơn, chúng tôi mong nhận được sự góp ý của các bạn dùng tập tài liệu này, để có thể sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh hơn trong lần in sau.

Bình luận

Thủ tụcHành chính